Hậu sự Chân Lạc

Năm Hoàng Sơ thứ 3 (222), Tào Phi lập Quách Quý tần làm Hoàng hậu. Tuy vậy, vì Quách hậu không có con nên Tào Phi lấy con của Chân phu nhân là Tào Duệ cho Quách hậu nuôi dưỡng, khác với đa số truyền thuyết nói về mối quan hệ thù đích giữa Chân phu nhân và Quách hậu, ngược lại trong sử sách ghi nhận Quách hậu rất yêu quý Tào Duệ. Năm Hoàng Sơ thứ 7 (226), Thái tử Tào Duệ kế vị, sử gọi Ngụy Minh Đế. Hoàng hậu Quách thị không phải là mẹ ruột của Ngụy Minh Đế, thế nhưng do là Hoàng hậu của Tiên Hoàng đế Tào Phi, bà được tôn làm Hoàng thái hậu.

Vào lúc ấy, Ngụy Minh Đế nhớ đến mẹ ruột, nghĩ đến chuyện truy phong Chân phu nhân làm Hoàng hậu. Chưởng lễ quan sau đó dâng sớ tấu nên dâng thụy hiệu thêm cho Chân hậu, lấy chữ "Văn" trong thụy của Tiên đế cùng một chữ mang tính diễn tả, nên là Văn Chiêu hoàng hậu (文昭皇后). Minh Đế Tào Duệ sai Tư không Vương Lãng cầm Tiết, dùng lễ Tam sinh đến bái vọng và hiến tế lăng mộ của Chân hậu tại Nghiệp Thành[33][34].

Năm Thái Hòa nguyên niên (227), tháng 3, Tào Duệ lấy 1000 hộ trong hương An Thành, huyện Ngụy Xương mà truy phong cho cha của Chân hậu là Chân Dật, truy tặng làm An Thành hương Kính hầu (安城乡敬侯). Tháng 4 năm đó, Tào Duệ cho xây tổ miếu ở Lạc Dương, đào được một khối ngọc tỉ, có 6 chữ: "Thiên tử tiện tư từ thân" (天子羡思慈亲) nên rất cảm động. Từ đó về sau, Tào Duệ thường mơ thấy mẫu thân, nên rất thiện đãi người nhà họ Chân, nâng chức vị của cháu Chân hậu là Chân Tượng (甄像) thành "Trung lang tướng"[35].

Năm Thái Hòa thứ 4 (230), mẹ của Chân hậu là Trương phu nhân qua đời, Tào Duệ đích thân mặc áo tang đi tế bà ngoại, bá quan cũng đến viếng tang[36]. Cùng năm tháng 11, sau khi an táng bà ngoại Trương thị, Tào Duệ thấy lăng mộ của Chân hậu ở Nghiệp Thành quá mức đơn giản, bèn dùng Chân Tượng kiêm chức Thái úy, cầm cờ Tiết đại diện Thiên tử đến Nghiệp Thành, bố cáo Thiên địa thần thánh, dùng đại lễ cải táng Chân hậu vào Triều Dương lăng (朝阳陵). Sau khi hoàn thành việc, Chân Tượng được thăng "Tán kỵ Thường thị" (散骑常侍)[37]

Năm Thanh Long thứ 2 (234), Minh Đế truy tặng anh của Chân hậu là Chân NghiễmAn Thành hương Mục hầu (安城乡穆侯); lấy con trai Chân Nghiễm là Chân Tượng thừa tập tước vị. Sau khi Chân Tượng mất, tặng làm "Trinh hầu" (贞侯), cả nhà họ Chân được tập tước nâng thành Ngụy Xương huyện hầu. Con trai Chân Tượng là Chân Sướng (甄畅) kế thừa tước vị, các anh em khác đều dự hàng Liệt hầu. Ngoài ra, Trương thị cũng được truy tặng làm An Hỉ quân (安喜君), còn cữu mẫu Lưu thị - vợ của Chân Nghiễm được phong làm Đông Hương quân (东乡君)[38].

Năm Cảnh Sơ nguyên niên (237), mùa hạ, 7 tòa tông miếu thờ phụng tổ tiên họ Tào đã hoàn thành, phân biệt hiến tế liệt tổ liệt tông. Mùa đông, bọn họ lại tấu thỉnh với Minh Đế, đại khái nói:"Hiện tại Hoàng thượng đã vì Văn Chiêu hoàng hậu xây cất tẩm miếu, giống như người đời xây cất tẩm miếu cho Khương Nguyên. Nhưng Hoàng thượng chưa công bố chiếu lệnh, xác nhận tẩm miếu của Văn Chiêu hoàng hậu về sau vĩnh viễn được hưởng hiến tế cùng bảo hộ, như vậy nếu luận đến công tích cùng sự nhân đức của Văn Chiêu hoàng hậu, thì Hoàng thượng không thể toại nguyện lòng báo hiếu với sinh mẫu, hậu nhân cũng không thể thành toàn một tấm lòng chí hiếu của Hoàng thượng đối với Văn Chiêu hoàng hậu! Vì vậy chúng thần tấu thỉnh Hoàng thượng ân chuẩn, tẩm miếu của Văn Chiêu hoàng hậu đời đời được nhận hiến tế, cùng với Thần miếu của tổ tông Đại Ngụy đều thụ hưởng đãi ngộ như nhau, cũng lấy triều đình ban bố pháp lệnh vĩnh viễn không được hủy bỏ, để to điểm cho phong phạm của Văn Chiêu hoàng hậu vậy!". Minh Đế Tào Duệ hoàn toàn tán đồng biểu dâng này, lệnh cho tẩm miếu của Chân hậu từ đó về sau cùng với các lăng tẩm của Tiên đế họ Tào hưởng đãi ngộ như nhau, còn khắc lệnh vào Kim đỉnh, lưu truyền hậu thế[39].

Minh Đế Tào Duệ đối với nhà mẹ đẻ họ Chân cũng hết sức chăm sóc. Chân Sướng vào năm cuối Cảnh Sơ (239) thì nhậm "Xạ thanh Giáo úy" (射声校尉), kiêm thêm "Tán kỵ Thường thị" (散骑常侍), còn đặc biệt ban cho một tòa dinh thự rất xa hoa trong kinh thành. Khi xây cất xong, Minh Đế còn tự mình đến xem, rồi lại vì mẹ Chân hậu mà xây lên một tòa "Quan miếu" (觀廟), ngõ phố đặt tên là "Vị Dương" (渭阳), có ý tưởng niệm Chân hậu[40][41].